Xuôi về miền Tây, từ phía bờ nam cầu dây văng Mỹ Thuận, ta vòng lên cầu vượt, rẽ trái chừng 15km sẽ đến thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây cách TP.HCM 160km.

Bờ sông Sa GiangBờ sông Sa Giang

Sa Đéc thời Pháp thuộc từng là thủ phủ hành chính của nhiều tỉnh trong khu vực với Tòa bố đặt tại đây. Trước năm 1975 đây là một tỉnh riêng lẻ. Từ năm 1994, Sa Đéc là thị xã của tỉnh Đồng Tháp và mới đây đã được công nhận là thành phố.

Thành phố Sa Đéc nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, thơ mộng. Dọc bờ sông là những hàng liễu rủ thướt tha điểm xuyết những bông hoa đỏ thắm. Khi chiều về, du khách có thể ngồi trên những ghế đá trước nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ngắm hoàng hôn trên sông với những cánh lục bình trôi tản mạn! Có thể bạn sẽ mường tượng nơi đây từng chứng kiến chuyện tình lãng mạn của chàng trai Việt Huỳnh Thủy Lê với cô gái Pháp yêu kiều Marguerite

Donnadieu 18 tuổi, sau trở thành văn sĩ nổi tiếng với cái tên Marguerite Duras trong nền văn học Pháp nửa cuối thế kỷ 20. Mối tình này về sau trở thành nguồn cảm hứng để bà viết lên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (L'amant) năm 1984 và cuốn hồi ký The North China Lover năm 1992.

Căn nhà của “Người tình” tọa lạc tại số 255A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc. Nhà được xây dựng năm 1895 và được trùng tu năm 1917. Ngôi nhà này có lối kiến trúc và trang trí độc đáo, hòa hợp Đông Tây. Tường được xây bằng gạch thẻ rất dày với chất kết dính là “ô dước”. Ô dước là hỗn hợp của a dao, mật đường mía, vôi, lòng trắng hột vịt, trộn với cát xây theo công thức riêng, được sử dụng như là ximăng thời ấy. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có cấu trúc theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền. Nhà có ba gian, cửa gỗ chạm khắc rất công phu. Trang trí bên trong theo kiểu người Hoa. Thờ Quan Công ở gian trung tâm.

Trong thành phố Sa Đéc còn có nhiều ngôi đình, chùa cổ, công trình đẹp có giá trị về văn hóa, lịch sử như chùa Hương, chùa Bà Thiên Hậu, đình Vĩnh Phước, Tân Tây Võ Miếu, chùa Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, trường nữ Trưng Vương, chợ thực phẩm Sa Đéc, chùa Kim Huê, đình Tân Phú Trung... Bạn có thể dạo vòng quanh thành phố hơn nửa buổi để tham quan các di tích này.

Nhà cổ của Huỳnh Thủy Lê

Ngoài những chùa chiền, miếu mạo, Sa Đéc còn có 17 ngôi nhà cổ khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà này mang kiến trúc theo phong cách nhà Tây vào những năm 1900, một số công sở theo kiến trúc Pháp, hiện vẫn còn sử dụng.

Rạch Cái Sơn, bến Cây Da là những công viên đẹp, yên tĩnh. Hai bên rạch là hai hàng liễu xanh mượt mà xõa tóc, vi vu trong gió, soi bóng dưới làn nước chảy lơ thơ. Những cây cầu nhỏ bắc qua rạch xinh xắn, với đèn lồng, trụ vuông mô phỏng cách điệu cầu vồng cổ trang. Về đêm, dưới ánh trăng trong và ánh đèn mờ ảo, du khách đôi khi có cảm tưởng như mình là lữ khách đang ở bến “Hàm Dương” vui bước giang hồ, lang bạt!

Đến Sa Đéc, ta ghé thăm làng nghề sản xuất bột ở Tân Phú Đông, ven thị xã, là chuyến tham quan thú vị. Du khách sẽ thấy tận mắt quy trình làm ra bột gạo. Bột gạo là một nguyên liệu chủ yếu không thể thiếu được trong văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng như một số nước châu Á. Từ bột gạo người ta làm ra bánh tráng, bún, bánh phở, hủ tiếu, bánh ướt, bánh bò, và hàng chục loại bánh khác... Bột gạo Sa Đéc rất nổi tiếng vào thế kỷ trước.

Lúc trở về thị xã, theo tỉnh lộ 841 đi Cao Lãnh, chừng 2km, ta ghé thăm làng hoa Tân Qui Đông, du khách sẽ thấy nơi đây hầu như bốn mùa là xuân, bởi lúc nào làng hoa cũng luôn rực rỡ! Mùa xuân với mai vàng, vạn thọ. Mùa hạ với cẩm chướng, hồng, tường vi. Mùa thu với cúc vàng, thược dược. Mùa đông với mẫu đơn, mâm xôi, biện lý... Ngoài ra còn có rất nhiều cây kiểng đủ loại. Tất cả tạo cho làng hoa Tân Qui Đông một sức sống tràn đầy. Có thể ta sẽ gặp các cô thôn nữ đằm thắm, dịu dàng với nụ cười thân thiện, cởi mở đang chăm sóc những luống hoa tươi thắm, đẹp xinh...

Đến Sa Đéc mà không thưởng thức hủ tiếu Sa Đéc e sẽ là điều đáng tiếc! Bánh hủ tiếu được làm bằng bột gạo thượng thặng từ làng bột Tân Phú Đông nổi tiếng. Đặc điểm của nó là sợi hủ tiếu mềm, thơm mùi gạo mới, trắng tinh màu sữa, không quá dai hoặc quá bở.

Ngoài món hủ tiếu Sa Đéc đã trở thành thương hiệu, món gà nòi hầm sả mới xuất hiện chừng vài năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng có chỗ đứng trong thực đơn ẩm thực được ưa chuộng. Do được nuôi nhốt, cho ăn lúa cội, trùn hổ, dế cơm và thường xuyên thoa bóp ngải nghệ, tuyệt đối không đạp mái, nên thịt gà nòi rất săn chắc. Muốn mua được loại gà này, các quán phải đặt mấy tay đầu nậu, chạy sô ở mấy trường gà. Hiện “lẩu gà đá” có giá từ 80.000-150.000 đồng/lẩu có bán nhiều nơi ở Sa Đéc.

Có thể ăn lẩu gà nòi hầm sả với bún, mì chỉ, phối hợp các loại rau như mùng tơi, cù nèo, cải xanh, tần ô... Thịt gà nòi hầm sả chấm với muối ớt rất tuyệt vời.

Sau khi đi một vòng tham quan các di tích, thắng cảnh ở Sa Đéc, bạn nên mua về cho người thân, bạn bè một ít quà. Đặc sản bánh phồng tôm Sa Giang và nem, chả lụa, bánh ú, ở phường 2 thị xã là sản vật không thể thiếu trong giỏ xách.

Đến với quê hương Sa Đéc bên bờ Sa Giang, bạn sẽ tìm lại được dấu xưa của một thời quá khứ và sẽ khám phá thêm nhiều điều mới lạ.

http://sagiang.com